Quy chuẩn quốc gia về việc thu gom và xử lý HFC, HCFC

Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát. Quy chuẩn được áp dụng cho các chất HFC, HCFC được sử dụng trong công nghiệp làm mát.

Các cơ quan, tổ chức, cơ sở có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát sẽ bắt đầu thực thi theo quy chuẩn kể từ ngày 30/5/2024.

Tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy

Các biện pháp theo luật định về phòng cháy, chữa cháy cần được tuân thủ trong quá trình thu gom, trang bị các thiết bị chuyên dụng được kiểm định, hiệu chuẩn trước khi sử dụng theo quy định của pháp luật về đo lường. Các thiết bị bao gồm: máy thu hồi, bình chứa thu hồi, cân định lượng, bơm chân không, thiết bị kiểm tra rò rỉ, đồng hồ đo áp suất, thiết bị đo nhiệt độ, đồng hồ đo điện.

Khi thu gom, cần đảm bảo loại bỏ hoàn toàn khí trong bình chứa thu hồi. Trong trường hợp bình chứa thu hồi mới chưa sử dụng, phải thu gom các chất riêng biệt theo từng loại, bình chứa thu hồi được ghi nhãn và luôn đặt theo phương thẳng đứng, sử dụng thiết bị kiểm tra rò rỉ trong suốt quá trình thực hiện và ghi chép sổ nhật ký hoạt động thu gom các chất được kiểm soát.

Công tác vận chuyển các chất được kiểm soát phải tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn và phòng cháy, chữa cháy; phương tiện vận chuyển đủ điều kiện tham gia giao thông. Việc vận chuyển các chất được kiểm soát từ điểm thu gom để xử lý (tiêu hủy) các chất đó thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.

Về lưu giữ các chất được kiểm soát, các bình chứa thu hồi phải được đặt theo phương thẳng đứng và không được lăn hoặc tác động mạnh. Đối với các chất có tính cháy ở mức A2, A3 (TCVN 6739:2015) phải được lưu giữ, bảo quản tương tự như khí dầu mỏ hóa lỏng hoặc bất kỳ loại khí dễ cháy khác và tuân thủ quy định pháp luật về lưu giữ, bảo quản an toàn khí. Quy định về yêu cầu đối với khu vực lưu giữ các chất được kiểm soát, gồm: Có đầy đủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy; Bảo đảm thông gió thường xuyên, tránh ánh nắng, các nguồn nhiệt, nguy cơ cháy khác; Mặt sàn không được trũng; Có phân chia ô hoặc khu vực lưu giữ riêng cho từng loại chất được kiểm soát. Trường hợp lưu giữ trong không gian kín phải có ít nhất một cảm biến phát hiện rò rỉ các chất được kiểm soát.

Về tái chế các chất được kiểm soát, phải sử dụng thiết bị chuyên dụng để thu lại nguyên chất các chất được kiểm soát. Quy định về chất lượng của chất được kiểm soát sau khi tái chế theo các thông số kỹ thuật đối với từng trường hợp nguyên chất, hợp chất đồng sôi hay hợp chất không đồng sôi. Chất sau khi tái chế phải lưu giữ trong các bình chứa thu hồi, dán nhãn có dòng chữ “[Số hiệu môi chất lạnh] tái chế” và phải được công bố hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường.

Quy chuẩn về tái sử dụng các chất được kiểm soát áp dụng đối với tổ chức, cơ sở sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT. Tổ chức, cơ sở sử dụng thiết bị đo nhanh tại hiện trường để quyết định tái sử dụng. Trường hợp cần làm sạch chất được kiểm soát tại hiện trường, tổ chức, cơ sở sử dụng các biện pháp kỹ thuật cơ – lý đơn thuần, phin sấy lọc để loại bỏ dầu, nước, khí không ngưng, tạp chất dễ bay hơi và tạp chất hạt/rắn trong chất được kiểm soát.

Việc xử lý (tiêu hủy) các chất được kiểm soát thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại. Yêu cầu về công nghệ xử lý các chất được kiểm soát phải bảo đảm tuân thủ yêu cầu về công nghệ xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, khí hậu.

Phương thức chứng nhận hợp quy sau tái chế

Việc chứng nhận hợp quy đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và lưu giữ các chất được kiểm soát được thực hiện theo phương thức 6 quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN. Căn cứ kết quả tự đánh giá sự phù hợp đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và lưu giữ các chất được kiểm soát, tổ chức, cơ sở có trách nhiệm thực hiện công bố hợp quy theo quy định tại Quy chuẩn và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quy chuẩn về tái sử dụng các chất được kiểm soát áp dụng đối với tổ chức, cơ sở sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát

Việc chứng nhận hợp quy đối với chất được kiểm soát sau khi tái chế được thực hiện theo 2 phương thức tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN. Cụ thể, phương thức 5 là thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất. Hoặc phương thức 7 là thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.

Tổ chức, cơ sở có trách nhiệm công bố hợp quy đối với chất được kiểm soát sau khi tái chế theo quy định tại Quy chuẩn và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã được đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật về hợp chuẩn, hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Nội dung quy chuẩn quy định kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát thuộc Phụ lục III.2 và Phụ lục III.3 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường


Thanh Kim Long Co. SINCE 1994

51 Đoàn Như Hài, Phường 13, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh

Hotline: (+84) 28 3940 0991

Website: www.thanhkimlong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *